Trước ngày giáng sinh - chương 3
"Mỗi buổi sáng, có bao nhiêu người nhận thức rằng mình thật là may mắn được thức dậy, được trời đất ban cho cả thị giác, xúc giác, thính giác và cả cảm giác? Có bao nhiêu người tạm quên được mọi lo toan để hưởng thụ cảnh tượng kỳ diệu này? Chúng ta phải thấy rằng, sự mất ý thức lớn nhất của con người chính là sự mất ý thức về cuộc sống của chính mình" - Marc Levy
----
Ba năm trước...
Mùa này thời tiết thật tuyệt vời, tháng 10. New York vào tháng 10 thật tuyệt để đi dạo, Emma nghĩ thế, cô thích sự ấm áp và những con gió nhẹ. Tuy rằng vườn bách thảo Brooklyn hoa không còn nở rộ nữa nhưng bù lại có thể ngắm những đợt cây thay lá. Không khí vẫn còn đó những tia nắng chiếu xuyên qua những tán cây. Đi dạo vào buổi chiều khiến cô có cảm giác thư giãn hơn rất nhiều. Khi rảnh rỗi cô có thể đưa em trai mình đi dạo ở công viên Trung tâm. Thằng bé cùng bạn bè có thể nô đùa với nhau.
Công việc của cô gần đây đã ổn định hơn, cô có thể dành thời gian đưa em trai đi chơi công viên. Emma đang hoàn tất dần việc mua một nông trại ở ngoại ô. Đó cũng là nơi tuyệt vời để họ đưa Henry về chơi cuối tuần. Nhất là khi New York vào đông sẽ lạnh cũng không còn gì cho Henry chơi đùa.
Emma Eliot ở tuổi 36 gần như xem cậu em trai Henry là con mình. Bởi thằng bé mới chỉ lên 12.
"Em có thấy Iris giống Ebenezer Scrooge không?"
Emma hỏi em trai mình, em trai cô vừa ăn lát bánh mì vừa nhìn Emma. Ebenezer Scrooge là nhân vật trong Hồn ma đêm giáng sinh, lão có lối sống tách mình ra khỏi xã hội, lão sở hữu tính cách gắt gỏng với mọi người quanh mình, còn thêm tật keo kiệt. Cho tới những hồn ma khác nhau cho lão thấy những giá trị của lòng tốt. Ebenezer Scrooge đã thay đổi vào cuối truyện, vui vẻ, cởi mở hơn với mọi người.
Henry nhìn Emma, rồi lén đưa mắt nhìn Iris đang ở góc xa làm việc trên laptop.
"Thế chị ấy cần gặp ma mới thay đổi được tính cách ạ?" Nhóc Henry ngay thơ hỏi mà không biết đã bị lôi vào câu chuyện của bà chị Emma.
"Sắp Halloween, em có muốn Iris hoá thân làm lão Ebenezer Scrooge không?" Emma hỏi, kèm theo cái nháy mắt đầy mưu tính.
Henry 12 tuổi cẩn thận cầm cốc sữa. Cậu bé lần trước đã làm vỡ chiếc cốc một lần rồi nên lần này sẽ cẩn thận cầm bằng cả hai tay.
Nhắc đến lão Ebenezer Scrooge thì trong đầu cậu bé liền tưởng tượng ra hình ảnh cái mũi nhọn to tướng, còn khòm xuống bằng cả môi. Thêm cái càm nhọn hoắc như phù thuỷ. Trông lão vừa xấu xa vừa có thể thay thế ông ba bị hù doạ trẻ con.
Nhìn sang chị Iris của mình, một cô gái tuy có hơi nghiêm túc với gu ăn mặt nhàm chán, nhưng tổng thể cũng gọi là xinh đẹp. Nhưng nếu bắt chị ấy hoá trang làm Ebenezer Scrooge thì thật thú vị.
Ánh mắt Henry bé nhỏ bừng sáng, cậu bé thích lễ hội hoá trang, thích chị mình làm Ebenezer Scrooge.
Iris quay sang nhìn chị gái mình, rồi quay phắc qua đứa em út đang mở to mắt long lanh nhìn cô.
Lại nữa, những trò hoá trang ngớ ngẩn của Emma và Henry, điều đáng nói là thay vì tự mình đội lên những lớp hoá trang đó thì bọn họ lại muốn cô phải mặc.
Dạng ép buộc này có thể báo cảnh sát được không nhỉ? iris thầm nghĩ.
"Emma, cho dù chị có nghĩ gì thì hãy bỏ ra khỏi đầu. Còn Henry, uống xong sữa để còn đi học."
Iris cảnh cáo cả hai người.
Henry hẳn cách tuổi chị gái Emma tầm gấp 3 lần. Nhưng tính cách hai người thì lại vô cùng hợp nhau. Một nhóc Henry tinh nghịch lại thêm một bà chị ưa bày trò. Hai người họ cứ như là một cái máy radio không bao giờ tắt được trong nhà, mà tầng số của chiếc radio này còn không cho phép Iris lựa chọn kênh cô muốn.
Emma là một nhà viết kịch bản, những bộ phim hài dài tập hay được chiếu trên tivi chính là điểm mạnh của cô. Hẳn nghề nghiệp cũng là một phần để bộc lộ tính cách của Emma mà thôi.
Năm ngoái, Emma và Henry còn nghĩ ra trò mang điểm số học của cậu nhóc để cá cược, chỉ để đạt được mục đích là bắt Iris mặc bộ đồ hoá trang Harley Quinn. Tuy nhiên họ đã đánh giá thấp Iris, điểm số học của Henry quan trọng đó, nhưng ép cô mặc cái váy hở hang và trang điểm bôi kem trắng bệt thì còn kinh hoàng hơn Donald Trump đắc cử lần hai.
Ba chị em nhà họ Eliot, Emma 36 tuổi, Iris 30 còn Henry chỉ mới 12. Ba người có ba người mẹ khác nhau, bởi vì cha họ là một người rất thích lăn nhăn, ông thậm chí còn xem nó là thiên chức của đàn ông.
Dễ hiểu vì sao Emma và Iris đi đến quan điểm chung rằng họ phải nuôi dạy em trai mình. Họ không muốn Henry trở thành một phiên bản khác của cha họ.
Henry tinh nghịch nhưng biết chừng mực, cậu bé yêu thích động vật vã mãi nài nỉ được nuôi một chú mèo. Nhưng đáng tiếc là Emma bị dị ứng lông thú nên cậu bé đành phải bỏ qua sự mê đắm này. Nhưng cũng rất nhanh thôi, Henry tìm ra niềm yêu thích là trêu chọc chị gái Iris của mình cùng với Emma.
Khi Henry còn bé, cứ luôn canh Iris đi ngủ thì sẽ dùng bút màu vẽ lên mặt cô. Mãi về sau Iris mới biết đó là ý tưởng của Emma.
Emma Eliot ở tuổi 36 luôn ngập tràn thứ năng lượng như còn ở tuổi 20. Trái lại Iris là mẫu người nghiêm túc, còn ưa châm chọc người khác. Emma vẫn nhớ như in việc một gã đến tận nhà tuyên truyền với Iris về bầu cử. Gã đó là bạn học cũ của Iris, cô đã lạnh lùng nói rằng cứ như thể phải chọn thức ăn trong thùng rác, kẻ nào cũng tệ hơn nhau, và người dân phải chọn kẻ đỡ tồi tệ hơn mà thôi. Voi và lừa đều cùng đang ở rạp xiếc mà thôi.
Iris cay nghiệt về chính trị là thế nhưng ở nhà lại thành thú vui châm chọc cho Emma và nhóc Henry. Nhưng chính điều này là một mảnh ghép cảm xúc cho gia đình nhỏ của họ.
Emma đã ly hôn chồng vào năm ngoái. Có một cuộc đời để sống nghĩa là đi kèm muôn vàng cảm xúc, đau buồn giận dữ rồi cả hạnh phúc vui sướng.
Emma luôn tin rằng những ngày tháng tốt đẹp nhất luôn chờ đợi cô ở phía trước. Suy nghĩ ấy đã giữ cho cô luôn có được niềm vui và năng lượng tích cực. Tâm hồn giống như một hạt giống, mà những gì ta vung trồng cho hạt giống đó sẽ tạo ra cảm xúc. Và Emma muốn cái cây của cô ngập tràn bóng râm để hai người em của mình vui vẻ tận hưởng bóng râm đó. Trân trọng những gì bản thân có, yêu hơn những người bên cạnh.
Iris và Henry là những món quà tuyệt vời nhất mà cuộc sống mang đến cho cô.
----
Hiện tại
Anna rời bệnh viện, cô sẽ tới nhà hàng Felix Culpa cách đây tầm 30 phút đi xe bus. Họ đã hẹn nhau vào lúc 6 giờ chiều nay.
Thời tiết vào đông bắt đầu chở nên khó chịu nên Anna không tự đạp xe nữa mà chuyển sang phương tiện công cộng. Anna không tự tin vào việc lái xe cho lắm nên cô vẫn chưa mua ô tô riêng cho bản thân.
Nghĩ lại thì điều này cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Đi bộ hoặc xe đạp cho phép cô có nhiều thời gian thư giãn hơn vừa lái xe vừa sợ hãi mình sẽ tông ai đó.
Anna đã đến nhà chờ xe bus, những tấm biển quảng cáo sản phẩm giáng sinh đã được dán khắp nơi. Ai đó từng nói giáng sinh là dịp thoi thúc người ta muốn tiêu tiền nhất. Nào là tiền trang trí, tiền mua quà tặng, tiền dành cho tiệc tùng,...
Nhưng trong thời điểm mà mọi tin tức đều nói về lạm phát, khủng hoảng kinh tế, lãi suất vay tăng cao thì giáng sinh cũng đi kèm nhiều lời than vãn.
Mùa đông sẽ lạnh còn để sưởi ấm cũng phải trả tiền. Anna không phải người vung tay quá trán cho việc mua sắm, nhưng cô cũng cần tiết kiệm vì khoản vay chi trả học phí vẫn còn đó, rồi tiền dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp nữa.
Trong lúc đợi xe bus đến, Anna lấy di động kiểm tra những tin nhắn liên quan tới công việc. Cô muốn kiểm tra lần nữa xem bản thân có bỏ sót điều gì không? tất nhiên không phải là những con dao, băng gạc trong cuộc phẩu thuật vào người bệnh nhân. Anna chưa được vào phòng phẫu thuật, cô chỉ mới được nhận vào chương trình nội trú gần một năm thôi. Nếu có vào phòng phẫu thuật thì hẳn cũng là cầm dao mổ cho bác sĩ. Nhưng đây cũng cơ hội mà ai cũng muốn.
Trong những bác sĩ nội trú họ ngầm có cuộc thi xem ai có cơ hội vào phòng phẫu thuật trước, và thừa nhận bản thân của Anna cũng có tham vọng này.
Hiện tại cô phải luân chuyển liên tục giữa các khoa để học cách làm quen với môi trường bệnh viện. Đây cũng là giai đoạn cần xác định chuyên khoa của bản thân, thực tế rất nhiều bác sĩ nội trú đã xác định chuyên khoa của bản thân ngay từ chương trình dự bị y khoa (Pre-med).
Anna thở hắt ra, hơi thở của cô như màu khói trắng, là do cái lạnh đã đến. Anna siết chặt hơn chiếc áo măng tô, cô sợ bản thân sẽ cảm lại mất.
Những ngày đông, hơi thở cũng trở nên thật... kỳ lạ. Khiến Anna nhớ đến bài giảng về hệ hô hấp. Trong y học, cái chết là sự ngưng hoạt động của các cơ quan như hệ hô hấp, sự phân chia các tết bào, quá trình trao đổi chất,... Có thời mà người ta tin rằng chỉ cần hệ hô hấp như phổi và tim ngưng hoạt động thì là đã chết. Nhưng kỹ thuật CPR (hồi sức tim phổi) ra đời đã khiến y học định nghĩa khác về "chết". Chết não, chết lâm sàn, hay chết sinh học đều được phân chia rõ ràng. Có những thời điểm trong đời mà để thở cũng thật khó khăn.
Sự hô hấp ở con người rất kỳ diệu, nếu đôi mắt cho ta sự nhìn nhận về thế giới bên ngoài thì hơi thở là sự cảm nhận. Cả không khí cũng có màu sắc của nó. Chúng ta ngửi được mùi thơm ngon từ một món ăn ngon, hương thơm từ những bông hoa nở rộ trong vườn, thiên nhiên không chỉ nhìn bằng mắt mà còn được cảm nhận qua hơi thở, và mùa đông, chúng ta cảm nhận được hơi lạnh qua cái hít thở từ không khí bên ngoài. Chúng ta hiểu rằng cái lạnh còn len lỏi vào cả bên trong mình. Siết chặt lại để ấm áp hơn, để cảm nhận sự sống.
Với hô hấp, ta hoà mình vào một thế giới muôn màu nhưng lại vô hình của mùi vị, ta cảm nhận qua khướu giác. Một giác quan khác đầy kỳ diệu của cơ thể sinh học. Lồng ngực căng phồng vì không khí lưu thông, không chỉ là nhịp sống mà còn là sự giao thoa giữa thế giới bên ngoài vào những cơ quan tưởng chừng khó hiểu về mặt y học.
Anna yêu công việc của mình và cả giáng sinh.
Xe bus đã tới, Anna đứng dậy chờ xe dừng hẳn. Một cảm xúc hân hoan háo hức khẽ dâng lên trong cô, Anna hít một hơi sâu, mọi thứ sẽ tốt lên thôi. Cô dứt khoát bước lên xe.
Có những thời điểm mà một quyết định thôi cũng sẽ thay đổi mọi thứ.
Tham gia cuộc trò chuyện